Nâng cao nhận thức trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lẽ hội: Bức tranh lễ hội ngày càng đi vào nề nếp
VHO- Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, hoạt động lễ hội trên cả nước ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Trách nhiệm của BQL di tích, BTC lễ hội và ý thức tham gia của cộng đồng, người tham gia lễ hội được nâng lên rõ rệt.
Lễ hội Phủ Giầy
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một nề nếp, các lễ hội được tổ chức đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hóa, lịch sử; góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc.
Chấn chỉnh hành vi phản cảm
Chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội là nhiều hiện tượng phản cảm, tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận qua từng năm đã được các địa phương chú trọng chấn chỉnh, tìm giải pháp khắc phục.
Bà Nguyễn Thu Trang (Trưởng phòng Quản lý Nếp sống Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở) cho biết, nhằm đưa bức tranh tổng thể về lễ hội dần đi vào nền nếp, những năm qua, Bộ VHTTDL đã yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo, chấn chỉnh và có giải pháp khắp phục đối với một số lễ hội còn để xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực và duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội như: Hội Phết xã Hiền Quan, Hội chọi trâu huyện Phù Ninh (Phú Thọ); Hội chọi trâu huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc); tục cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc); hành vi chen lấn, xô đẩy để cướp lộc, xin ấn tại Lễ hội Đền Trần (Nam Định). Các đơn vị chuyên môn của Bộ cũng đã trực tiếp kiểm tra, trao đổi với địa phương đưa ra các giải pháp, phương án thay đổi hình thức tổ chức lễ hội phù hợp, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách.
Nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP đạt hiệu quả, hằng năm, ngay từ trước các dịp Tết Nguyên đán, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Thanh tra Bộ ban hành văn bản gửi Thanh tra các Sở VHTTDL về việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động lễ hội vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh công tác kiểm tra định kỳ, Bộ VHTTDL còn tăng cường kiểm tra đột xuất tại các điểm di tích có lễ hội lớn, lễ hội dài ngày, lễ hội có tính chất phức tạp tại một số địa phương như: Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... “Những hạn chế tại lễ hội như kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, trục lợi, đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống, xem bói, gieo quẻ, đổi tiền chênh lệch giá, tăng giá dịch vụ bán hàng, đốt nhiều đồ mã, vàng mã tại các di tích, đền, phủ; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bày bán thịt động vật hoang dã... đã được Bộ VHTTDL chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản gửi địa phương đề nghị có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời”, bà Trang cho biết.
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 110, hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước đã được tổ chức an toàn, vui tươi, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Sau thời gian bị ngắt quãng do dịch bệnh Covid-19, các địa phương kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương triển khai thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội bằng các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều lễ hội diễn ra an toàn, tốt đẹp, nhân dân tham gia lễ hội vui tươi lành mạnh, đúng với phong tục truyền thống, có thể kể đến Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, Lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết - Bình Thuận, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Đền Trần (Nam Định), Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ)…
Chú trọng tuyên truyền về nếp sống văn minh lễ hội
Song song với hạn chế biến tướng, tiêu cực, các địa phương chú trọng tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc, mục đích tổ chức lễ hội, di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội; vận động, tuyên truyền người dân khi tham gia lễ hội ứng xử có văn hóa, trang phục lịch sự, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.
Trên địa bàn TP Hà Nội, giải pháp quan trọng được triển khai là thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Cùng với đó, các thành viên BCĐ, BTC lễ hội tăng cường kiểm tra, kiểm soát quá trình kinh doanh các dịch vụ tại lễ hội; thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách, không ép giá và bày bán thịt động vật hoang dã tại di tích, lễ hội. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động tổ chức lễ hội... Trong mùa lễ hội 2023, đoàn kiểm tra do Sở VHTT Hà Nội đã tập trung thanh tra, kiểm tra các lễ hội có quy mô tổ chức lớn. Trong đó, tập trung kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội Gò Đống Đa, đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), Đền Sóc (Sóc Sơn), Đền Cổ Loa (Đông Anh), Chùa Hương (Mỹ Đức), Phủ Tây Hồ, Chùa Trấn Quốc (Tây Hồ) Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng (Ba Vì), Đền Và (Sơn Tây), Đền Phù Đổng (Gia Lâm), Đền Lộ (Thường Tín)…
Tại Nam Định, các lễ hội được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống, qua từng năm đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, tồn tại như nạn cờ bạc trá hình; lưu hành ấn phẩm trái quy định; hiện tượng xóc thẻ rút thẻ... Các lễ hội có quy mô lớn diễn ra trong năm như Hội chợ Viềng Xuân, lễ Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Bảo Lộc... hằng năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham dự. Các lễ hội hầu hết được tổ chức tại các điểm di tích nên việc tổ chức tốt lễ hội không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho người dân du xuân vãng cảnh, thực hành tín ngưỡng tâm linh truyền thống mà còn tạo điều kiện phát triển du lịch. Một số di tích tiêu biểu như khu di tích đền Trần (TP Nam Định), đền Bảo Lộc (huyện Mỹ Lộc), quần thể di tích Phủ Dầy (huyện Vụ Bản), chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), chùa Keo Hành Thiện, Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (huyện Xuân Trường)... đã và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch, điểm tham quan, nghiên cứu học tập của nhân dân trên mọi miền đất nước.
MINH NGỌC